You are currently viewing Quy hoạch điện mới : Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo

Quy hoạch điện mới : Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo

Năm 2045, tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện sẽ giảm về 9,6%, còn năng lượng tái tạo tăng dần và đạt hơn 50%.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị với các địa phương về quy hoạch điện VIII. Theo đó, hội nghị thống nhất với phương án rà soát quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương trình đầu tháng 4.

Tức là, quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000 MW (không tính điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát), giảm 35.000 MW so với phương án trình Chính phủ cách đây một năm. Trong đó, sẽ có 37.467 MW điện than, 23.900 MW điện khí LNG, 16.121 MW điện gió trên bờ, 7.000 MW điện gió ngoài khơi và 8.736 MW điện mặt trời quy mô lớn.

Quy mô này đáp ứng đủ nhu cầu công suất phụ tải cực đại dự báo đến năm 2030 là 93.300 MW, có mức dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.

Tổng công suất nguồn điện lắp đặt trong hệ thống điện quốc gia sẽ tăng lên 217.596 MW vào năm 2035 và đạt khoảng 401.556 MW năm 2045.

Tỷ trọng công suất các nguồn điện giai đoạn 2025 – 2045

Đơn vị: %

Chỉ tiêu/Năm Năm 2025 Năm 2035 Năm 2045
Điện than/biomass/amoniac 29,3 17,7 9,6
LNG, chuyển dùng LNG/hydrogen 11,1 7 3,8
Turbin khí dùng LNG, hydrogen mới 3,6 14,8 8
Nhiệt điện chạy khí hydrogen 0 3 7,2
Điện than, turbin khí chạy dầu 0,6 0 0
Thuỷ điện (gồm thuỷ điện nhỏ) 27,2 15,9 9
Điện gió trên bờ, gần bờ 13,8 12,6 14,3
Điện gió ngoài khơi 0 8,5 17
Điện mặt trời quy mô lớn 8,9 11,8 19,4
Điện sinh khối, năng lượng tái tạo khác 1 1,5 1,3
Thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ 0 3,6 7,5
Nhập khẩu 4,5 3,7 2,8

Theo Bộ Công Thương, phương án sau rà soát sẽ giảm tối đa điện than với tỷ trọng giảm dần từ 25,7% vào 2030 và giảm về còn 9,6% năm 2045.

Các dự án điện than đang xây dựng thì tiếp tục triển khai (khoảng 10.842 MW), nhưng không cân đối các nguồn điện than đồng phát (tổng công suất 2.850 MW) vào quy hoạch và không phát triển thêm các nhà máy điện than mới.

Các nhà máy điện than BOT đã giao cho chủ đầu tư nước ngoài tiếp tục được đưa vào quy hoạch để tránh hệ quả pháp lý cho Chính phủ. Nhưng các dự án này sẽ được theo dõi sát tình hình triển khai và đàm phán chuyển đổi nhiên liệu khi có thể.

Thay vào đó, dự thảo đề xuất khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi, các loại thuỷ điện tích năng, điện sinh khối, pin lưu trữ, cũng như điện mặt trời cấp trực tiếp (tự cung cấp, tiêu thụ tại chỗ) cho các cơ sở sản xuất.

Nguồn điện LNG được giữ như hiện tại tới năm 2030, sau thời gian này sẽ xem xét tăng thêm nguồn điện chạy nền sử dụng LNG để đảm bảo hệ thống điện có khả năng tích hợp cao các nguồn năng lượng tái tạo. Việc này nhằm phân bổ về mặt địa lý một cách hợp lý để giảm truyền tải liên miền.

Các nguồn điện LNG sẽ chuyển dần sang sử dụng hydrogen và chuyển hẳn sang sử dụng hydrogen sau 20 năm vận hành. Sau 10 năm vận hành, các nguồn điện khí LNG sẽ bắt đầu đốt kèm khí hydrogen (từ 20%).

Ngoài chuyển đổi nhiên liệu, phương án các nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này được tính toán, khuyến khích phát triển mạnh các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối…). Các nguồn điện này sẽ tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện, gần 24% vào 2030 tăng lên hơn 50% vào 2045.

Chẳng hạn, tỷ trọng điện gió sẽ tăng từ 10,8% lên 15,8% tổng công suất nguồn đặt vào năm 2030, trong đó riêng điện gió ngoài khơi là 4,8%.

“Phương án phát triển nguồn điện mới đã hướng tới giảm tối đa phát triển các nguồn điện than gây phát thải khí nhà kính. Lượng phát thải khí CO2 đáp ứng cam kết của ngành điện trong thực hiện trung hoà khí CO2 vào năm 2050. Phương án này cũng tăng tính chủ động trong cung cấp điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu”, Bộ Công Thương nêu trong phương án trình Chính phủ.

Truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc (liên miền) sẽ tăng dần từ năm 2030 trở đi với sản lượng truyền tải tăng từ 21 tỷ kWh vào 2035 lên 40 tỷ kWh vào năm 2040 và khoảng 52 tỷ kWh vào 2045. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần xem xét xây dựng các đường dây truyền tải một chiều từ miền Trung ra Bắc và từ miền Nam ra Bắc từ sau năm 2035.

Tuy nhiên, với phương án trình lần này, Bộ Công Thương cho rằng, nguồn vốn đầu tư lớn, do phải bổ sung thêm các nguồn năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện than gây phát thải khí nhà kính, để đáp ứng cam kết của Việt Nam.

Theo tính toán, phương án sau rà soát có tổng vốn đầu tư gần 141,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện là 127,45 tỷ USD và lưới truyền tải 14,14 tỷ USD. Tổng chi phí vận hành hệ thống đến năm 2030 là 317,24 tỷ USD.

Ngoài ra, phải đầu tư thêm lưới truyền tải liên miền, hệ thống truyền tải siêu cao áp ven biển. Một số công nghệ chưa được thương mại hoá, như công nghệ sử dụng hydrogen, amoniac xanh… nên tiềm ẩn các rủi ro trong thực hiện quy hoạch.

Nhưng sau rà soát, khối lượng đường dây 500 kV và 200 kV giảm khoảng 2.000 km so với phương án trình hồi tháng 3/2021, qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện giai đoạn 2021 – 2030.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống năm 2045 khá cao, do các nguồn điện chạy nền không còn được phát triển và thay vào đó là nguồn điện gió có thời gian vận hành thấp hơn nhiều, khoảng 105,9% vào năm 2045, dẫn tới tăng chi phí đầu tư nguồn điện.

Để tiến tới phát thải ròng về 0 năm 2050, Việt Nam đã giảm khoảng 13.500 MW công suất các nguồn điện LNG. Các nguồn điện nay sẽ được thay thế bằng các nhà máy điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, các nguồn điện linh hoạt sử dụng hydrogen và các nguồn thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ năng lượng (trong đó điện gió, điện mặt trời cần bổ sung thêm khoảng 47.000 MW).

Theo tính toán, đến năm 2045 lượng phát thải CO2 là 175 triệu tấn, giảm gần một nửa so với các phương án trước đây. Đến năm 2050, lượng phát thải CO2 giảm xuống khoảng 42 triệu tấn.

Phương án quy hoạch sau rà soát có tỷ trọng năng lượng tái tạo 29,5-36,2%, tăng 4-5% so với mức đề ra tại Nghị quyết 55. Các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao để bù lại các nguồn điện phát thải khí nhà kính khác. Dự kiến nhập khẩu khoảng 22 tỷ m3 LNG vào năm 2030 và 11 tỷ m3 vào 2045.

Trong thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các địa phương để hoàn thiện quy hoạch điện VIII; hoàn tất các thủ tục thẩm định trước ngày 25/4 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong tháng 4 này.

Để lại một bình luận