Anh dựa vào đâu để trừng phạt tỷ phú Abramovich?

 

Ngày 10/3, tỷ phú Roman Abramovich – một trong những nhà tài phiệt Nga nổi tiếng nhất – chính thức bị chính phủ Anh trừng phạt. London cáo buộc nhà tài phiệt này có “các mối quan hệ rõ ràng” với lãnh đạo Điện Kremlin.

Theo các lệnh trừng phạt mới nhất, tài sản của ông Abramovich tại Anh sẽ bị đóng băng – bao gồm cả câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ông cũng không còn có thể nhập cảnh vào Anh, theo Guardian.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các mối liên kết giữa ông Abramovich – cùng 6 nhà tài phiệt khác cũng bị trừng phạt hôm 10/3 – với giới lãnh đạo Nga đã được xác minh. “Đây là lý do chúng ta triển khai các lệnh trừng phạt”, ông Johnson tuyên bố.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng các nhà tài phiệt “không nên có chỗ đứng trong nền kinh tế hay xã hội Anh”. Vì mối quan hệ với Điện Kremlin, London khẳng định giới tài phiệt đứng cùng phía trong chiến dịch quân sự của Nga.

Tuy nhiên, Reuters hôm 28/2 dẫn một nguồn giấu tin cho biết giới chức Ukraine đã liên lạc để nhờ ông Abramovich giúp đỡ quá trình đàm phán hòa bình với Nga. Vị tỷ phú này được cho là chấp nhận đề nghị, và đã tới Belarus vào cuối tháng 2 để hỗ trợ cuộc trao đổi.

Mối nghi ngờ lớn

Ông Abramovich bị nhắm đến vì Văn phòng Thực thi Trừng phạt Tài chính (OFSI) thuộc chính phủ Anh nghi ngờ công ty thép Evraz – doanh nghiệp mà ông Abramovich sở hữu 29% cổ phần và được cho là có quyền chi phối – cung cấp thép để sản xuất xe tăng cho quân đội Nga.

Chính phủ Anh khẳng định hành động này cho thấy ông Abramovich “đã hoặc đang tham gia làm mất ổn định Ukraine”, theo AP.

Một cơ sở sản xuất của công ty thép Evraz, nơi ông Abramovich sở hữu gần 30% cổ phần. Ảnh: Bloomberg.

Tai sao Abramovich bi trung phat anh 2

Tai sao Abramovich bi trung phat anh 2
Một cơ sở sản xuất của công ty thép Evraz, nơi ông Abramovich sở hữu gần 30% cổ phần. Ảnh: Bloomberg.

Sau khi lệnh cấm vận được ban bố, giá cổ phiếu của Evraz trên sàn London giảm 11%, trước khi giới chức Anh tạm ngừng giao dịch với cổ phiếu này để “làm rõ tác động của các lệnh trừng phạt”. Dù vậy, bản thân công ty này chưa phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Tổng giá trị cổ phần của ông Abramovich tại Evraz có giá trị khoảng 1,4 tỷ bảng Anh (hơn 1,8 tỷ USD) vào cuối năm 2021, nhưng chỉ còn đáng giá dưới 350 triệu bảng Anh (khoảng gần 460 triệu USD) vào cuối ngày 10/3.

Từ tháng 2 vừa qua, nhà tài phiệt Nga nắm quyền sở hữu trực tiếp với cổ phiếu của mình tại Evraz. Trước đó, ông có quyền sở hữu thông qua một công ty có tên Greenleas International Holdings, đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh – một “thiên đường thuế” nổi tiếng của giới nhà giàu trên khắp thế giới.

Về phần mình, Evraz bác bỏ cáo buộc của chính phủ Anh. Công ty này cho biết chỉ cung cấp thép cho lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng. Evraz cũng cho biết họ không tham gia vào bất cứ hoạt động nào nhằm “làm mất ổn định Ukraine hay phá hoại, đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hay độc lập của Ukraine”.

Công ty này cũng cho biết họ không cho rằng bản thân đã bị cấm vận, khi ông Abramovich không có quyền kiểm soát thực tế với Evraz. Theo Evraz, tỷ phú người Nga sở hữu dưới 50% cổ phần công ty và chỉ có quyền chỉ định 3 trong số 11 thành viên của ban giám đốc.

Trước đó, Evraz cũng tìm cách giữ khoảng cách nhất định với ông Abramovich. Hôm 9/3, Evraz hủy bỏ việc trả cổ tức trị giá tới 210 triệu USD cho tỷ phú người Nga.

Công ty này cũng tuyên bố “không tự coi mình là một thực thể được sở hữu bởi, hay hoạt động trên danh nghĩa hoặc định hướng của bất cứ cá nhân nào có liên kết với Nga”, dù không chắc chắn các cổ đông của mình có quan hệ với Nga hay không.

Ông Abramovich được cho có quan hệ thân cận với Điện Kremlin. Ảnh: TASS.

Tai sao Abramovich bi trung phat anh 3

Tai sao Abramovich bi trung phat anh 3
Ông Abramovich được cho có quan hệ thân cận với Điện Kremlin. Ảnh: TASS.

Quan hệ thân cận

Ông Abramovich đã sử dụng các công cụ pháp lý để tỏ khoảng cách giữa ông và Điện Kremlin. Tuy nhiên, chính phủ Anh dường như không nghĩ vậy.

London cho rằng ông Abramovich “được hưởng lợi về tài chính hoặc các dạng vật chất khác” từ chính phủ Nga, bao gồm giảm thuế, bán cổ phiếu với giá ưu đãi, cũng như các hợp đồng phục vụ cho World Cup 2018.

Dù vậy, trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, các luật sư của ông Abramovich nhận định tỷ phú này không đủ điều kiện để bị trừng phạt. “Thật buồn cười khi cho rằng thân chủ của chúng tôi có trách nhiệm hay ảnh hưởng tới hành vi của nhà nước Nga”, các luật sư tuyên bố.

Ông Abramovich vẫn chưa phản hồi sau khi đón nhận các lệnh trừng phạt.

Bên cạnh ông Abramovich, danh sách trừng phạt được chính phủ Anh công bố hôm 10/3 còn bao gồm tỷ phú Oleg Deripaska – đối tác lâu năm của ông Abramovich, Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin, cũng như bốn nhà tài phiệt Andrey Kostin, Alexei Miller, Nikolai Tokarev và Dmitri Lebedev.

Tất cả cá nhân này đều sẽ bị cấm thực thi giao dịch tài chính tại Anh. Do đó, họ sẽ không thể thuê nhân công ở cả các dịch vụ cơ bản nhất như nhân viên vệ sinh, bảo vệ hay làm vườn, thậm chí không thể ký hợp đồng cung cấp điện.

Chính phủ Anh bị cho là đã hành động quá chậm chạp để ngăn chặn giới tài phiệt Nga chuyển tài sản khỏi Anh từ những tuần trước. Bản thân ông Abramovich cũng đã đưa máy bay riêng khỏi Anh từ cuối tháng 2. Ông cũng bày tỏ ý định bán Chelsea khi xung đột nổ ra tại Ukraine.

Câu lạc bộ bóng đá Chelsea chịu tác động không nhỏ khi ông chủ bị chính phủ Anh trừng phạt. Ảnh: Reuters.

Tai sao Abramovich bi trung phat anh 4

Tai sao Abramovich bi trung phat anh 4
Câu lạc bộ bóng đá Chelsea chịu tác động không nhỏ khi ông chủ bị chính phủ Anh trừng phạt. Ảnh: Reuters.

Theo Công đảng đối lập, London dường như đang “chậm chân” so với các đồng minh. Tính đến nay, chính phủ Anh mới chỉ trừng phạt 41 cá nhân và thực thể có quan hệ với ông Putin, trong khi con số của Liên minh châu Âu (EU) đã là 660.

Chính trị gia Công đảng David Lammy đề nghị London áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn như ngắt các ngân hàng Belarus khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT hay trừng phạt các nghị sĩ Nga ủng hộ việc công nhận hai nhà nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Ông Chris Bryant, người đứng đầu nhóm nghị sĩ về Nga tại Quốc hội Anh, nhận định chính phủ Anh dường như chuẩn bị thiếu kỹ càng cho tình huống này.

“Đây là lý do EU trừng phạt thêm 160 người vào hôm qua, còn chúng ta chỉ trừng phạt 7 người hôm nay”, ông Bryant nói hôm 10/3.

Để lại một bình luận